#2 Tại sao không nên bắt đầu với Đam Mê?

#2 Tại sao không nên bắt đầu với Đam Mê?

Trong mỗi chúng ta ai cũng có niềm yêu thích và đam mê. Có người thì rất rõ ràng với việc mà mình thích làm (đam mê thì hơi quá), có người thì mù mờ chả biết bản thân thích gì.

Mình còn nhớ cái ngày mình được đi học 1 khóa về kỹ năng sống. Đây cũng là khóa đầu tiên mà mình đăng ký học, ngoài những buổi học trên trường tẻ nhạt. Lúc đó là năm 2 đại học và khóa này mẹ mình bảo mình đi. Học về rạo rực lắm, từ thằng không biết đọc sách là gì, mua 1 đống sách về đọc, toàn self help. Nghiện lắm. Cái được ở đây là mình có 1 thói quen tốt – THÍCH ĐỌC SÁCH, cụ thể hơn là cầu tiến. Nhưng ngấm ngầm trong đó là sự thôi thúc ĐI TÌM ĐAM MÊ mà khóa học truyền tải tới mình. Ngày qua ngày mình đi tìm xem: MÌNH ĐAM MÊ CÁI GÌ. Mình chỉ chăm chăm làm theo việc mình thích. NHƯNG nếu được chọn lại, mình sẽ LÀM KHÁC. Vì sao thì bạn đọc hết bài này nhé.

Bạn nào đọc cuốn “Từ tốt đến vĩ đại” của Jim Collins thì đều biết đến lý thuyết con nhím, được mô tả như sau.

Có nghĩa nghề lý tưởng là giao của 3 vòng tròn trên, hội tụ đủ 3 yếu tố là: việc bạn đam mê, việc bạn làm tốt và việc mà xã hội cần (trả tiền).

Nhìn qua hình trên thì mình đã lầm tưởng, không biết nhiều bạn như vậy không, là đi tìm được cả 3 thứ trên và mình lại còn bắt đầu thứ tự là ĐI TÌM ĐAM MÊ của bản thân trước. Lựa chọn không chuẩn thì nỗ lực nhiều cũng sẽ vất vả gian nan hơn, thành tựu đến muộn hơn, thậm chí phải làm lại từ đầu.

“Lựa chọn quan trọng hơn nỗ lực.” Nên ngay từ đầu hãy suy nghĩ kỹ về LỰA CHỌN.

Khi bạn lựa chọn bắt đầu với ĐAM MÊ, thì việc xác định đó có phải ĐAM MÊ thật sự không cũng đã ngốn bao nhiêu thời gian. Như từ nhỏ thì có thể thích làm công an, nhưng lớn lên lại thích làm Bố Già. Đam mê thay đổi theo từng thời điểm, từng độ tuổi là chuyện bình thường. Thêm nữa khi chưa gặp khó khăn nhiều thì thấy làm gì cũng thích. Nhưng khi trở ngại lớn đến thì bạn lại muốn dừng lại, tìm thứ khác. Một vòng luẩn quẩn.

Cho nên nếu bạn đã rõ ràng biết mình thích gì, đam mê gì, thì cứ bình tĩnh. Còn chưa rõ thì kệ xác nó, chả phải tìm kiếm, vì sau này ĐI LÀM NHIỀU, VA VẤP NHIỀU, NHIỀU GÁNH VÁC TRÁCH NHIỆM… bạn sẽ quên luôn việc tìm đam mê, hoặc sẽ tìm ra nó theo 1 cách rất thú vị và chắc chắn. Trường hợp bạn có nghề mà hội tụ đủ 3 vòng tròn trên luôn thì không cần đọc bài này nữa. Bài này mình viết cho số đông, sinh ra bình thường, không có tài năng gì nổi trội.

Vậy chúng ta NÊN BẮT ĐẦU từ: NHU CẦU XÃ HỘI.

Xã hội công bằng, MONEY = VALUE. Bạn cung cấp giá trị thì bạn nhận lại tiền. Tiền bạn chi ra cũng để nhận lại thứ giá trị với bạn. Bài đầu tiên mình có nói nhiệm vụ ĐẦU TIÊN và CẤP BÁCH CỦA GAME ĐỜI là PHẢI KIẾM RA TIỀN. VALUE = MONEY. Bạn cứ có VALUE đi, xã hội sẽ trả tiền cho bạn xứng đáng.

Khi tìm được nghề mà XÃ HỘI ĐANG CẦN, thì bạn cần rèn luyện để làm TỐT NÓ. Chứ không phải việc đó bạn phải làm tốt ngay từ đầu, mà cần qua thời gian rèn luyện, làm việc để kỹ năng của bạn tốt lên. Như 2011-2012, mình biết đứa bạn cùng khóa xác định Facebook là mảnh đất màu mỡ để cắm dùi, thì cứ thế mà chiến cho tới khi kiếm $1M sớm nhất khóa. Tư duy cộng may mắn thì sẽ có lựa chọn đúng ngay từ đầu, còn không thì phải mấy lần, bình thường thôi, GAME ĐỜI không phải với ai cũng mượt.

Qua thời gian làm việc có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, mối quan hệ, cơm ăn 3 bữa, tiền cũng tạm tạm thì lúc đó chớm chớm hỏi bản thân xem ĐAM MÊ là gì, có gì hứng thú hơn để làm thêm… nếu khớp với 2 vòng tròn còn lại thì nhẹ nhàng dành 1 khoảng time để BUILD nó, đừng ALL IN vội.

Mình thấy đa phần các chủ tịch, triệu phú, tỷ phú này kia, khi phải thực sự thành công, nhiều tiền lắm lắm thì họ mới nghĩ tới đam mê. Ông thì cây cảnh, ông thì thể thao, ông thì nuôi con con kia…

Steve Jobs cũng từng khuyên là nên đi tìm kiếm đam mê, chưa tìm ra thì tìm tiếp. Xác suất thành công của việc này là thấp, không áp dụng được cho số đông. Còn kiểu như có tiềm năng tiềm tàng cần khai phá như ca sỹ, diễn viên, vận động viên… họ là SỐ ÍT. Khi đọc lại tiểu sử Steve Jobs thì cuộc đời ông không diễn ra như LỜI ÔNG KHUYÊN.

Nhu cầu xã hội, thị trường việc làm thay đổi theo thời gian, cho nên hãy tìm hiểu kỹ xem việc đang làm có dần đi vào ngõ cụt không, có dễ bị thay thế bởi AI, robot không…

Kết lại có 2 điều cần lưu ý:

  1. Bắt đầu với thực tế là NHU CẦU XÃ HỘI ĐANG CẦN GÌ? ĐANG TRẢ TIỀN CHO GÌ?
  2. Học tập, làm việc, nâng cao giá trị bản thân trong lĩnh vực đó. Và hãy bắt đầu sớm, đừng đợi gần ra trường mới nghĩ tới công việc bạn sẽ làm.

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *